05 Lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu năm 2023
Việc đưa các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình đang kinh doanh ra thị trường là một vấn đề khá đơn giản. Nhưng làm sao để người tiêu dùng nhớ đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình lại là vấn đề khá khó khăn đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó.
Việc xây dựng cho riêng mình một thương hiệu/nhãn hiệu là điều vô cùng tất yếu và quan trọng. Bởi lẽ, nhìn vào nhãn hiệu đó người tiêu dùng có thể biết đến sản phẩm hàng hóa dịch vụ này được sản xuất, kinh doanh bởi cá nhân, tổ chức nào và nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài viết sau đây của Luật ILBS Law sẽ chỉ ra cho Qúy khách hàng 05 Lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mời Qúy khách hàng cùng theo dõi.
Cơ sở pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009;
- Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022.
Contents
1. Quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định chi tiết về quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của Tổ chức cá nhân, cụ thể:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
Như vậy, quyền đăng ký nhãn hiệu sẽ được trao cho Tổ chức, cá nhân thuộc các trường hợp được quy định nêu trên khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bạn nên biết
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là vô cùng quan trọng, dưới đây là 05 lợi ích mang lại cho Chủ sở hữu khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình:
Thứ nhất, Giúp phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các Tổ chức, cá nhân trong cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Đây là lợi ích đầu tiên và quan trọng hàng đầu của việc đăng ký nhãn hiệu. Khi nhìn vào nhãn hiệu gắn trên sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khách hàng sẽ nhận diện được nhãn hiệu đó là của đơn vị nào sở hữu. Một khi nhãn hiệu đó đã được lưu trong nhận thức của khách hàng thì nó sẽ trở thành thương hiệu. Ví dụ như nói đến Coca Cola, khách hàng sẽ biết đến thương hiệu của nước giải khát, hay nói đến Samsung, khách hàng sẽ biết đến thương hiệu của các sản phẩm điện tử….
Mục đích của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hướng đến là mang sản phẩm, dịch vụ của mình đến với số lượng người tiêu dùng lớn nhất, khách hàng sẽ biết đến và thường xuyên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đó. Để thực hiện tốt mục đích này, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chính là lựa chọn hữu hiệu nhất cho họ.
Thứ hai, Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ sở hữu nhãn hiệu
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký đó cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký kèm theo nhãn hiệu.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ sở hữu nhãn hiệu khai thác được tối đa lợi ích thương mại đối với nhãn hiệu, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhãn hiệu chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Nếu nhãn hiệu không đăng ký thì người sử dụng nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng) sẽ không được công nhận là chủ sở hữu nhãn hiệu đó, bất kể người này là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu. Người đang sử dụng nhãn hiệu nhưng chưa đăng ký tức là chưa xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu mà không đăng ký sẽ dẫn đến khả năng bị xâm phạm, mất quyền sử dụng nhãn hiệu đó khi có người khác đăng ký nhãn hiệu đó cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại.
Thứ ba, Góp phần cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị
Việc sử dụng nhãn hiệu theo đúng quy định của pháp luật sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa những chủ sở hữu nhãn hiệu đó trong cùng lĩnh vực.
Tuy nhiên, trên thực tế việc làm giả các hàng hóa dịch vụ thuộc những nhãn hiệu nổi tiếng không còn xa lạ. Hậu quả sẽ được người tiêu dùng, nhà sản xuất gánh chịu. Điển hình như việc mất niềm tin vào chất lượng và uy tín của nhà sản xuất khiến họ sẽ không chú trọng vào sản phẩm mang nhãn hiệu đó nữa. Thị trường không còn bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh chính thống.
Trước thực tế đó, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho Sản phẩm, dịch vụ được xem là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo cho họ một sân chơi lành mạnh giữa những nhà sản xuất đúng nghĩa với những sản phẩm của trí tuệ thực sự. Sự bảo hộ nhãn hiệu loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng đối với những sản phẩm, dịch vụ tương tự không bảo hộ.
Thứ tư, Bảo vệ nhãn hiệu khỏi các hành vi xâm phạm
Hành vi xâm phạm nhãn hiệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình nhất là hành vi sử dụng logo, nhãn hiệu tương đương trong cùng lĩnh vực.
Việc đăng ký nhãn hiệu và được độc quyền sử dụng nhãn hiệu trong phạm vi nhóm sản phẩm, dịch vụ đăng ký sẽ giúp Tổ chức, cá nhân tránh bị các bên khác sử dụng trái phép nhãn hiệu. Bởi lẽ, nếu phát hiện có hành vi xâm phạm xảy ra, Tổ chức, cá nhân đó có thể yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi của mình thông qua nhiều con đường: Từ hòa giải, thông báo đến yêu cầu sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí là khởi kiện ra Tòa án.
Hậu quả pháp lý của việc xâm phạm nhãn hiệu cũng đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, kèm theo các chế tài cụ thể như: Buộc gỡ bỏ, buộc xử lý sản phẩm, buộc công khai xin lỗi, buộc tiêu hủy và buộc bồi thường thiệt hại.
Thứ năm, tạo ra nguồn thu nhập từ hoạt động Li xăng nhãn hiệu hoặc chuyển nhượng nhãn hiệu
Việc Li xăng nhãn hiệu hay chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ mang lại một khoản thu đáng kể cho Chủ sở hữu nhãn hiệu. Từ đó khuyến khích các Tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hơn.
Hy vọng rằng những nội dung chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ mang đến cho Qúy khách hàng cái nhìn chi tiết về Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu. Nếu có vướng mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Qúy khách hàng hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 để được sử dụng dịch vụ tốt nhất.
Bình luận