3 bước thực hiện thủ tục hưởng chế độ thai sản đơn giản nhất

Chế độ thai sản là quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy chế độ thai sản là gì? Thủ tục hưởng chế độ thai sản được thực hiện như thế nào? Tất cả sẽ được ILBS Law & Partners chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

Contents

I. Chế độ thai sản là gì?

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ này nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Người lao động hưởng chế độ cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật.

II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:

1.Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Do đó, người lao động khi đáp ứng những điều kiện trên có thể hưởng chế độ thai sản theo quy định.

III. Đối tượng hưởng chế độ thai sản

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, đối tượng được áp dụng chế độ thai sản bao gồm:

1.Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

3. Cán bộ, công chức, viên chức;

4. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

5. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

6. Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

7. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

(Điều 30, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

IV. Thủ tục hưởng chế độ thai sản

Căn cứ quy định tại Quyết định 166/QĐ/BHXH ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN

Người lao động hưởng chế độ thai sản cần thực hiện theo quy trình 3 bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Người lao động chuẩn bị hồ sơ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động.

Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì người lao động sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Chờ xét duyệt hồ sơ

Căn cứ theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sau khi nộp đủ hồ sơ theo quy định người lao động sẽ phải chờ để được xử lý hồ sơ.

  • Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ tổng hợp theo quy định nộp lên cơ quan BHXH.

Thời gian chờ xét duyệt giải quyết và chi trả cho người lao động từ cơ quan BHXH như sau:

  • 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.
  • 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.

Bước 3. Nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội

Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Nội dung trên đây mà chúng tôi gửi đến bạn đọc là những thông tin cần thiết nhất về thủ tục hưởng chế độ thai sản mới nhất. Mọi thông tin vướng mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Trân trọng!

Chia sẻ trên mạng xã hội

Bình luận