Các hình thức đầu tư theo quy định của Luật đầu tư
Trong xu thế hội nhập hóa về kinh tế, nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vậy, có những hình thức đầu tư nào. Để làm rõ hơn vấn đề này, trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ gửi đến quý bạn đọc những thông tin cần thiết.
Cơ sở pháp lý:
Contents
I. Đầu tư là gì?
– Theo khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”.
Do đó, có thể hiểu đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế, xã hội khác.
– Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
II. Các hình thức đầu tư theo quy định của Luật đầu tư
Theo Điều 21 Luật đầu tư 2020 quy định các hình thức chủ yếu sau:
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Ngoài ra còn có các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, nội dung các hình thức đầu tư này như sau:
1. Hình thức Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
– Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
- Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư;
- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
– Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
– Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật đầu tư;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
3. Thực hiện dự án đầu tư
Hình thức đầu tư bằng việc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:
“1.Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
2. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
3. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.”
4. Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư.
– Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
– Nội dung của Hợp đồng BCC phải tuân thủ quy định tại Điều 28 Luật đầu tư.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
Trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, các quy định pháp luật đưa ra cũng không còn mang tính rập khuôn, bó hẹp nữa mà luôn là những quy định mở. Cho thấy Chính phủ nước ta đã sẵn sàng cởi mở chào đón các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai.
Từ đó có thể thấy, quy định đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng, nhiều ưu đãi và ngày càng hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ kiến thức cho quý bạn đọc để có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất cứ vấn đề pháp lý nào thắc mắc, quý khách hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Tham khảo thêm bài viết về tư vấn đầu tư tại: Tư vấn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bình luận