Đặc điểm của Hợp đồng mua bán hàng hóa mới nhất
Hợp đồng mua bán hàng hoá là một trong những loại hợp đồng cơ bản nhất ở lĩnh vực kinh doanh thương mại. Hợp đồng này xuất hiện rất phổ biến, từ giá trị nhỏ đến rất lớn, ảnh hưởng lớn tới từng doanh nghiệp. Vậy Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Đặc điểm của Hợp đồng này ra sao? Cùng ILBS Law tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Cơ sở pháp lý:
Contents
I. Khái niệm Hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong quan hệ mua bán hàng hóa các bên thường giao kết với nhau bằng các thỏa thuận, điều kiện trong quá trình mua bán. Điều này được thể hiện dưới hình thức pháp lí nhất định là hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa.
Luật thương mại không định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng có thể xác định bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại trên cơ sở quy định của Bộ Luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản. Tại Điều 430 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan”.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản, tuy nhiên, trong thương mại nó có những điểm riêng biệt xuất phát từ bản chất thương mại của hành vi mua bán hàng hóa.
II. Đặc điểm của Hợp đồng mua bán hàng hóa
1. Về chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa
Về chủ thể của hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Theo quy định tại điều 6 Luật thương mại năm 2005 quy định:
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Theo Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại năm 2005, khi bên không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa lựa chọn áp dụng luật thương mại.
2. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa:
Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thoả thuận giữa các bên với nhau, dưới góc độ pháp lý việc tuân thủ hình thức của hợp đồng sẽ là bắt buộc một khi pháp luật có sự ghi nhận về vấn đề đó với mục đích hạn chế các rủi ro cho các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng.
Theo quy định Bộ Luật Dân sự 2015 thì hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác định bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Hình thức văn bản bao gồm cả điện báo, telex, Fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác.
Về mặt hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa. Đây là một trong những điều cần lưu ý nhằm tránh làm vô hiệu hợp đồng. Khi nêu căn cứ để xác lập hợp đồng mua bán thì đó phải là những căn cứ đang có hiệu lực. Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết.
Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.
Tại điều 24 Luật Thương Mại năm 2005 cũng quy định rõ về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa. “1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.
3. Về đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa:
Hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa.
Theo Luật thương mại 2005, hàng hóa là đối tượng của quan hệ mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai; hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại.
4. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa
Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.
Luật thương mại Việt Nam không quy định hợp đồng mua bán hàng hóa phải bao gồm nội dung bắt buộc nào. Tuy nhiên, ta có thể thấy rằng, một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường phải chứa đựng sự thỏa thuận về đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm nhận giao hàng cụ thể như sau:
– Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá:
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá là hàng hoá.
Hàng hoá là những sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích trao đổi để thoả mãn nhu cầu của con người.
Hàng hoá có thể là vật, là sức lao động của con người, là các quyền tài sản.
Khoản 2 điều 3 năm Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng hàng hoá hơn. Theo đó hàng hoá bao gồm tất cả các động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, và các vật gắn liền với đất đai. Tuy nhiên, khái niệm về hàng hoá vẫn còn sự hạn chế, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong quy định này hàng hoá chỉ bao gồm các loại tài sản hữu hình.
Như vậy, các loại tài sản vô hình khác như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ chưa được thừa nhận là hàng hoá.
– Giá hàng hóa: Giá của hợp đồng mua bán hàng hoá là số tiền mà người mua phải trả cho người bán, được các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.
Các bên tự thỏa thuận giá nhưng giá đó phải được xác định và ghi vào hợp đồng (đối với hợp đồng được giao kết dưới hình thức văn bản), các bên có thể xác định giá bằng một lượng tiền chính xác theo một đơn vị cụ thể.
– Phương thức thanh toán: Phương thức thanh toán là cách thức thực hiện chi trả một hợp đồng.
Theo quy định tại điều 398 Bộ Luật Dân sự năm 2015, thì phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận. Bởi phương thức thanh toán rất đa dạng như thanh toán trực tiếp, chuyển tiền, nhờ thu, ghi sổ, … Vì thế, bên bán và bên mua có thể thỏa thuận áp dụng phương thức thanh toán nào mà mình cho là tiện lợi, dễ dàng và phù hợp với tính chất của hợp đồng.
Tuy nhiên, tại điều 433 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định thêm trường hợp pháp luật quy định phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
– Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá : Khoản 1 Điều 434 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ ràng. “Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.”. Điều này có nghĩa, các bên có thể thực hiện hợp đồng mua bán ngay sau khi giao kết hợp đồng hoặc một thời gian sau đó.
– Chất lượng của tài sản mua bán hàng hoá: Chất lượng hàng hoá là vấn đề quan tâm của các bên khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng đúng chất lượng phải đảm bảo khả năng sử dụng, bảo đảm đúng phẩm chất, bao bì đóng gói, quy cách, chủng loại của sản phẩm theo tiêu chuẩn hoặc theo sự thoả thuận của các bên.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá : Căn cứ vào việc thực hiện hợp đồng của các bên mà Bộ Luật Dân sự năm 2015 có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.
– Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa : Hình thức của hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài của nội dung hợp đồng, gồm tổng hợp các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng.
Theo Điều 24 của Luật Thương mại năm 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, đối với những trường hợp pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì bắt buộc các bên giao kết hợp đồng phải tuân theo.
Nội dung trên đây là phần tổng hợp của chúng tôi về Đặc điểm của Hợp đồng mua bán hàng hóa. Nếu có vướng mắc hoặc cần tư vấn về Hợp đồng mua bán hàng hóa. Qúy bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 để được Luật sư hỗ trợ nhanh nhất.
Bình luận