Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC theo quy định Luật Đầu tư 2020
Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC là một trong những hình thức đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020. Loại Hợp đồng này được quy định như thế nào trong Luật đầu tư 2020, bài viết sau đây ILBS Law sẽ chia sẻ tới Qúy khách hàng những thông tin bổ ích.
Cơ sở pháp lý:
Contents
1. Hợp đồng BCC là gì?
Hợp đồng BCC hay còn gọi là Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
(Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”
Như vậy, có thể hiểu bản chất của Hợp đồng BCC là sự hợp tác giữa hai hay nhiều chủ thể có chung một dự án kinh doanh muốn liên kết cùng nhau để thực hiện dự án đó mà không thành lập tổ chức kinh tế.
2. Quy định về Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC
Thứ nhất, Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Thứ hai, Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư 2020.
Thứ ba, Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Như vây, Hợp đồng BCC có thể được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau.
Qúy khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết: Các hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
3. Nội dung của Hợp đồng BCC
Tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020 quy định về nội dung của Hợp đồng BCC như sau:
– Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
+ Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
+ Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
+ Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
– Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Như vậy, nội dung của hợp đồng BCC là những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận cùng nhau bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh.
4. Ưu điểm của Hợp đồng BCC
Việc đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC có rất nhiều ưu điểm so với các hình thức khác, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Hợp đồng BCC không yêu cầu các bên tham gia phải thành lập pháp nhân mới. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ thông qua hợp đồng với tư cách là nhà đầu tư độc lập mà không bị ràng buộc bởi một pháp nhân chung.
Thứ hai, Nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc thành lập và vận hành một pháp nhân mới.
Thứ ba, Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC cũng là một trong những lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào một thị trường mới nhưng vẫn nhanh chóng tiếp cận được thông tin dưới sự am hiểu về thị trường thông qua những đối tác trong nước.
Thứ tư, Tham gia vào Hợp đồng BCC giúp các nhà đầu khắc phục được điểm yếu của mình và sử dụng được hầu hết các lợi thế trong kinh doanh.
5. Hạn chế của Hợp đồng BCC
Ngoài những ưu điểm đã nêu tại mục 4, thì hợp đồng BCC cũng có những hạn chế nhất định. Có thể kể đến như:
Việc thực hiện những hợp đồng, giao dịch để phục vụ cho Hợp đồng BCC cũng sẽ gây phân vân cho bên thứ ba khi không tồn tại một pháp nhân để thực hiện các hợp đồng, giao dịch đó.
Hoặc trường hợp các bên tham gia sẽ phải thỏa thuận việc lựa chọn con dấu của một trong hai bên để phục vụ cho việc kí kết các hợp đồng với bên thứ ba. Nếu chẳng may có rủi ro xảy ra, cụ thể khi các bên bất đồng quan điểm trong việc sử dụng con dấu để ký kết hợp đồng, thì dự án đầu tư đó sẽ phải dừng lại và chờ đợi giải quyết. Điều này ảnh hướng đến quyền lợi của các bên, thậm chí là gây thiệt hại lớn.
Nội dung trên đây là một số thông tin về Hợp đồng BCC theo quy định của Luật Đầu tư 2020 mà Luật ILBS gửi tới quý khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ soạn thảo Hợp đồng BCC, Qúy khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0935.998.552 để được tư vấn chi tiết.
Qúy khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết: Thủ tục Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới nhất năm 2023.
Bình luận