Hợp đồng dịch vụ và một số vấn đề có liên quan
Pháp luật điều chỉnh về hợp đồng dịch vụ cần phải có sự chặt chẽ và phù hợp. Vậy hợp đồng dịch vụ được quy định như thế nào trong Luật Thương mại, cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Contents
1. Khái niệm hợp đồng dịch vụ
Trong Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là loại hợp đồng có những đặc điểm riêng và được quy định như sau:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”
Khi thỏa thuận về việc thực hiện công việc dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải đưa ra các yêu cầu của mình về chất lượng, kĩ thuật, các thông số khác… Từ đó các bên có cơ sở để thỏa thuận về điều kiện cung ứng dịch vụ.
2. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
Theo Điều 514 Bộ luật dân sự quy định quy định về đối tượng của hợp đồng dịch vụ như sau:
“Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Theo đó, đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc, công việc đó có thể thực hiện được và không được vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Công việc có thể thực hiện được như bên thuê dịch vụ thuê bên cung ứng dịch vụ đăng tuyển nhân sự cho mình; bên thuê dịch vụ thuê dịch vụ sửa chữa, bảo hành tài sản của bên cung ứng dịch vụ… Trong hợp đồng dịch vụ, đối tượng của hợp đồng dịch vụ sẽ được chuyển giao từ bên cung cấp dịch vụ sang bên sử dụng dịch vụ.
3. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ có những đặc điểm pháp lý riêng như sau:
– Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý nhất định và giao kết quả cho bên thuê dịch vụ.
Theo đó, bên cung ứng dịch vụ bằng công sức, trí tuệ của mình để hoàn thành công việc đã nhận. Bên cung ứng dịch vụ cũng có thể sử dụng người cộng sự giúp việc cho mình, và phải chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra do lỗi của người cộng sự. Tuy nhiên, bên cung ứng dịch vụ không được giao cho người khác làm thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ.
– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có tính đền bù
Tính đền bù được hiểu là mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhân được từ bên kia một lợi ích tương xứng.
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ, khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc mà mang lại kết quả như đã thỏa thuận.
– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có tính song vụ
Tính song vụ được thể hiện ở chỗ, mỗi bên trong hợp đồng đều chịu ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời cũng là bên có quyền đòi hỏi bên còn lại thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả công việc và trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ.
4. Hình thức của hợp đồng dịch vụ
Tại Điều 74 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức của hợp đồng dich vụ như sau:
“1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”
Như vậy, Hợp đồng dịch vụ có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.
5. Trả tiền dịch vụ
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
6. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nội dung trên đây là phần tổng hợp của chúng tôi về Hợp đồng dịch vụ gửi tới bạn đọc. Mọi vướng mắc có liên quan, quý bạn đọc hãy liên hệ ILBS Law để được giải đáp.
Bình luận