Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế năm 2023
Khi đưa hàng hóa, dịch vụ của mình ra thị trường quốc tế, Doanh nghiệp nên thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế được thực hiện như thế nào? Có khó hay không? Trong bài viết này, Luật ILBS Law sẽ hướng dẫn Qúy khách hàng thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế đơn giản nhất.
Cơ sở pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghiệp;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
Contents
I. Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như:
– Là cơ sở pháp lý vững chắc để xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu;
– Chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi;
– Là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính khi nhập khẩu, quảng cáo lưu thông hàng hóa, tham gia thương mại điện tử tại một số quốc gia;
– Loại bỏ những rủi ro pháp lý, kiện tụng, tranh chấp trong bảo hộ nhãn hiệu, gây mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp;
– Cơ sở để thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu hoặc cho phép bên thứ 3 sử dụng nhãn hiệu trên cơ sở có thu phí.
II. Hình thức đăng ký nhãn hiệu quốc tế hiện nay
Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn một trong các hình thức đăng ký nhãn hiệu quốc tế sau đây:
– Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại quốc gia dự định đăng ký(đối với hình thức đăng ký này sẽ rất tốn kém, phức tạp và khó quản lý);
– Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid (đăng ký theo nghị định thư Madrid hoặc theo thỏa ước Madrid) thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (đây là hình thức đăng ký thuận tiện, đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất).
Dưới đây chúng tôi sẽ gửi tới Qúy khách hàng thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid.
III. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế qua Hệ thống Madrid
Hệ thống Madrid là một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý. Hệ thống này trao quyền cho chủ sở hữu nhãn hiệu, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu của họ trên phạm vi quốc tế, quảng bá thương hiệu tại thị trường các quốc gia xuất khẩu và tiết kiệm chi phí.
Bước 1: Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam làm đơn cơ sở
Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, chủ đơn cần tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam thông qua Cục Sở hữu trí tuệ.
Để hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký nhãn hiệu, Qúy khách hàng có thể tham khảo bài viết: 5 bước thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu đơn giản nhất.
Bước 2: Nộp đơn Đăng ký Quốc tế tới WIPO thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Dựa trên đơn đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, bạn sẽ nộp đơn đăng ký quốc tế cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn đăng ký quốc tế phải bảo đảm các thông tin (mẫu nhãn hiệu, tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế chính xác và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu tương ứng đã nộp tại Việt Nam.
Sau khi nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và ra thông báo mới hướng dẫn bạn nộp tiền cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sau đó sẽ được chuyển cho WIPO trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.
Các loại phí phải thanh toán đối với đơn đăng ký quốc tế bao gồm phí cơ bản, phí riêng hoặc phí bổ sung và phụ phí (nếu có) tùy theo từng trường hợp. Người nộp đơn có thể sử dụng công cụ tính phí trực tuyến do WIPO cung cấp tại https://www.wipo.int/madrid/en/fees/calculator.jsp.
Bước 3: WIPO thẩm định hình thức và chuyển tải yêu cầu bảo hộ tới Cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia chỉ định
Tại WIPO, đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sẽ được thẩm định về mặt hình thức, bao gồm tư cách người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ… Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đơn sẽ được ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trên công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO.
Sau bước trên, WIPO thông báo cho Cơ quan nhãn hiệu của từng quốc gia mà chủ đơn đã chỉ định bảo hộ từng bên tham gia nhận được yêu cầu bảo hộ trong đơn quốc tế hoặc chỉ định sau.
Bước 4: Các quốc gia được chỉ định sẽ tiến hành thẩm định nội dung theo các quy định và dữ liệu của riêng mình
Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc ngày chỉ định sau, các nước được chỉ định sẽ thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế như đối với một đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia bình thường. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong khoảng thời gian quy định theo Thỏa ước hoặc Nghị định thư.
– Trong vòng 12 tháng (hoặc 18 tháng):
+ Nếu cơ quan nhãn hiệu của nước chỉ định không ra thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên tự động được bảo hộ tại nước đó.
+ Nếu cơ quan nhãn hiệu của nước chỉ định có lý do để không chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu thì sẽ gửi Thông báo từ chối tạm thời việc đăng ký nhãn hiệu đó cho chủ nhãn hiệu. Chủ nhãn hiệu sẽ tiến hành trả lời/khiếu nại Thông báo từ chối theo đúng quy định của quốc gia thành viên đó.
Thủ tục xét nghiệm đơn đăng ký theo hệ thống Madrid được tiến hành độc lập tại mỗi quốc gia được chỉ định. Việc từ chối bảo hộ của một quốc gia này không ảnh hưởng đến hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu hay quá trình xem xét bảo hộ ở các nước còn lại.
Hy vọng nội dung trên đây mà chúng tôi gửi tới Qúy khách hàng sẽ giúp Qúy khách có những thông tin bổ ích về thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Mọi thông tin vướng mắc, Qúy khách có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 để được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận