Phân chia di sản thừa kế theo di chúc Mới nhất 2023
Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình, người thừa kế có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Vậy pháp luật quy định phân chia di sản thừa kế theo di chúc như thế nào?
Contents
1. Di sản thừa kế là gì?
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản thừa kế được định nghĩa như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
– Tài sản riêng của cá nhân có thể được hình thành từ các nguồn như thu nhập từ lao động sản xuất, kinh doanh, được tặng cho riêng, được thừa kế riêng, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, thu nhập khác… Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu vật chất cho cuộc sống, sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Khi cá nhân chết đi, tài sản thuộc sở hữu riêng là bộ phận của di sản thừa kế.
– Tài sản chung là tài sản thuộc sở hữu chung của người chết với những chủ thể khác. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
2. Phân chia di sản thừa kế theo di chúc như thế nào là hợp pháp?
Căn cứ Điều 629 Bộ luật dân sự, Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Những người thừa kế có quyền hưởng phần di sản thừa kế theo di chúc.
2.1. Cách thức phân chia di sản thừa kế theo di chúc
– Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
2.2. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Tuy di chúc là sự thể hiện ý chí đơn phương của người chết nhưng Bộ luật dân sự năm 2015 quy định 02 trường hợp người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
Lưu ý: Không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.
2.3. Những người từ chối nhận di sản
– Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
– Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
– Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
2.4. Người không được quyền hưởng di sản
Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Những người nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Trên đây là nội dung về phân chia di sản theo di chúc theo quy định của pháp luật. Qúy khách khàng nếu cần tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 hoặc gửi đến email: ilbs.lawyer@gmail.com.
Bình luận