Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam năm 2023
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, thương nhân nước ngoài có quyền đặt Chi nhánh, Văn phòng đại diện hoặc thậm chí là thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bài viết này, Luật ILBS Law sẽ trình bày nội dung Quyền và Nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để Qúy khách hàng nắm được các thông tin cần thiết.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Thương mại 2005;
- Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Contents
1. Thế nào là Chi nhánh của thương nhân nước ngoài?
Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
Thương nhân nước ngoài được thành lập Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khoản 7 Điều 3 Luật Thương mại 2005 định nghĩa Chi nhánh thương nhân nước ngoài như sau:
“Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Như vậy, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Và thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
2. Điều kiện để thành lập Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
– Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
– Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
– Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
– Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Qúy khách hàng có thể tham khảo bài viết: Thủ tục cấp giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam mới nhất năm 2023.
3. Quyền của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Đối với hoạt động tại Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có các quyền được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Thương mại như sau:
– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.
– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật Thương mại.
– Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
– Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập chi nhánh là nhằm thực hiện mục đích sinh lời trong phạm vi những ngành, nghề mà thương nhân đã đăng ký kinh doanh nên các quyền này sẽ góp phần cho chi nhánh thương nhân nước ngoài tiến hành các hoạt động sinh lợi thuận lợi hơn tại thị trường Việt Nam.
4. Nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Bên cạnh các quyền được nêu tại Mục 2, Chi nhánh thương nhân nước ngoài cũng sẽ có các nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể:
– Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
– Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Do Chi nhánh thương nhân nước ngoài hoạt động có mục đích sinh lợi nên tất yêu cần phải thực hiện các chế độ kế toán, báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp Luật Việt Nam.
Để có thể nhận tư vấn hoặc giải đáp thêm về Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, Qúy khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 để được Luật sư hỗ trợ kịp thời. Luật sư của chúng tôi luôn sẵn hàng hỗ trợ Qúy khách.
Bình luận