Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam năm 2023

Cùng với việc hướng đến mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam, thương nhân nước ngoài cần có sự hiện diện của mình tại đó. Pháp luật Việt Nam cho phép thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam theo quy định. Vậy, để tìm hiểu rõ về Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, mời Qúy khách hàng cùng theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi.

Cơ sở pháp lý:

Contents

1. Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài là gì?

Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.

Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Lưu ý: Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.

2. Điều kiện để thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:

–  Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

–  Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

–  Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

–  Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

–  Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Như vậy, trước khi thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam thương nhân nước ngoài cần phải kiểm tra lại các điều kiện theo quy định để lựa chọn cho phù hợp.

Qúy khách có thể tham khảo thêm bài viết: Thủ tục cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định.

3. Quyền của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Về quyền của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 17 Luật Thương mại 2005, cụ thể:

–  Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

–  Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.

–  Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

–  Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện. Hiện nay, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài sẽ không được mở tài khoản ngân hàng trực tiếp mà sẽ thay bằng tài khoản cá nhân hoặc ủy quyền cho một người làm chủ tài khoản theo giấy ủy quyền.

–  Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

–  Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định các quyền này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát sinh phục vụ cho Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

4. Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Quyền lợi thì sẽ đi kèm với các nghĩa vụ tương ứng, vậy Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài sẽ phải thực hiện những nghĩa vụ gì?

Tại Điều 18 Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể về nghĩa vụ của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài như sau:

– Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.

–  Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật Thương mại cho phép.

–  Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật Thương mại 2005.

–  Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

–  Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

–  Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có một số quyền và nghĩa vụ có phần giống với Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong nước.

Qúy khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết: Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh thương nhân nước ngoài năm 2023.

Mong rằng nội dung trên đây mà Luật ILBS thông tin đến Qúy khách hàng về quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện sẽ giúp quý khách có được những thông tin bổ ích. Nếu còn vướng mắc có liên quan, Qúy khách có thể liên hệ
để gặp luật sư của chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552. Luật ILBS Law luôn đồng hành cùng Qúy khách trong lĩnh vực pháp lý.

Chia sẻ trên mạng xã hội

Bình luận