Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có thể vô hiệu không?
Vợ chồng có thể thực hiện lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng hay không? Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có thể bị vô hiêu khi nào? Cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau của Luật ILBS Law nhé.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình.
Contents
I. Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng
1.Thời gian xác lập thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng
Theo Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Do đó, nếu vợ chồng cùng thống nhất lựa chọn thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng thì cần thực hiện lập văn bản trước khi kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực.
2. Nội dung của thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng
– Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
– Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
3. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng hay không?
– Theo quy định tại Điều 49 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.
– Việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận chế độ tài sản này phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
– Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết: Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân và 4 điều lưu ý
II. Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng có thể bị vô hiêu khi nào?
1.Các trường hợp thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
- Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật hôn nhân và gia đình;
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
2. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng vô hiệu
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng:
- Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản;
- Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.
3. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Lưu ý:
Trường hợp Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng mà có yêu cầu Tòa án xem xét thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến tài sản tranh chấp có bị vô hiệu hay không.
Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ thì Tòa án phải tuyên thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ trong bản án, quyết định để làm cơ sở giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên.
4. Hậu quả pháp lý thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên vô hiệu
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
- Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
- Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Trên đây là nội dung quy định của pháp luật có liên quan đến thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng vô hiệu mà chúng tôi thông tin đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn có vướng mắc hoặc có vấn đề pháp lý cần giải quyết. Chúng tôi luôn sẽ lòng hỗ trợ bạn.
Bình luận