Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký Chuyển giao công nghệ
Theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, những trường hợp chuyển giao công nghệ (CGCN) nào cần phải được cấp giấy đăng ký. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ được thực hiện như nào?
Contents
1. Những trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017, Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
– CGCN trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Thời điểm đăng ký chuyển giao công nghệ
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 76/2018/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ thuộc về:
*Đối với chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với CGCN của dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và dự án đầu tư ra nước ngoài;
+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với CGCN của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật CGCN.
*Đối với chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác theo quy định của pháp luật:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với CGCN trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ đối với CGCN trong nước.
*Đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước:
Đối với CGCN thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hoặc CGCN thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký CGCN.
4. Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ
– Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
– Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết CGCN bằng tiếng Việt hoặc bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực đối với văn bản giao kết chuyển giao công nghệ bằng tiếng nước ngoài;
– Bản sao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấp phép kinh doanh,…) của các bên tham gia CGCN;
– Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia hợp đồng;
– Bản sao chứng thực Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước.
5. Thời hạn thực hiện
– Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xem xét hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo quy định;
+ Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
+ Trường hợp hồ sơ có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có văn bản đề nghị bên đăng ký sửa đổi, bổ sung;
+ Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
6. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp sau đây:
– Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao;
– Hợp đồng không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ;
– Nội dung hợp đồng trái với quy định của Luật chuyển giao công nghệ.
Trên đây là nội dung về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Nếu có thắc mắc về vấn đề này liên hệ ILBS Lawyer & Partner để được giải đáp.
Bình luận