Tội Giết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong các tội phạm quy định ở Bộ luật hình sự thì Tội giết người được xem là tội phạm nguy hiểm và có hình phạt rất nghiêm khắc. Vậy, Tội giết người là gì và hình phạt đối với người phạm tội này là gì? ILBS sẽ phân tích qua nội dung bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

Contents

1. Khái niệm Tội giết người

Hiện nay thì pháp luật chưa có một định nghĩa chi tiết về Tội giết người, tuy nhiên trên cơ sở quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, chúng ta có thể hiểu khái niệm Tội giết người như sau:

Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

2. Dấu hiệu pháp lý của Tội giết người

Dấu hiệu pháp lý Luật ILBS Law
Dấu hiệu pháp lý

Thứ nhất, về mặt khách thể

Khách thể của Tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bất cứ ai xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người đều phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Thứ hai, về mặt chủ thể

Chủ thể của tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có đủ điều kiện để có lỗi, để trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự – năng lực nhận thức được hành vi và năng lực điều khiển hành vi. Để có được năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của Tội giết người.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12 và Điều 123 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Thứ ba, về mặt khách quan

Hành vi khách quan

Hành vi khách quan của Tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.

Không hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Hành vi khách quan của Tội giết người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật.

Những hành vi không gây ra và cũng không có khả năng gây ra cái chết cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết cho người khác, nhưng không trái pháp luật (như hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi thi hành án tử hình…) thì đều không phải là hành vi khách quan của Tội giết người.

Hậu quả 

Hậu quả của Tội giết người là thiệt hại do hành vi phạm tội giết người gây ra cho quan hệ nhân thân, cho quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người khác.

Mối quan hệ nhân quả 

Hành vi khách quan của Tội giết người được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người khác nếu thoả mãn ba điều kiện:

  • Hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian;
  • Hành vi độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người khác. Khả năng này chính là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Khả năng gây chết người của hành động là dùng dao sắc nhọn đâm vào ngực nạn nhân hay của không hành động là không cho trẻ sơ sinh ăn, uống…
  • Hậu quả chết người khác đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan của Tội giết người hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.

Thứ tư, Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội giết người có thể là Lỗi cố ý trực tiếp hoặc Lỗi cố ý gián tiếp.

  • Theo quy định tại Điều 10 BLHS năm 2015 thì lỗi cố ý trực tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết.
  • Lỗi cố ý gián tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.

3. Quy định về hình phạt đối với Tội giết người

Người thực hiện tội phạm giết người sẽ chịu hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Điều 123 Bộ luật hình sự quy định rõ 02 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là những nội dung có liên quan đến Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Mọi thắc mắc, đóng góp ý kiến vui lòng liên hệ với ILBS Law & Partners qua số điện thoại: 0935.998.552 hoặc gửi thư điện tử qua email: ilbs.lawyer@gmail.com.

Chia sẻ trên mạng xã hội

Bình luận