Tội phạm là gì? Phân loại tội phạm theo quy định Bộ luật hình sự
Tội phạm là thuật ngữ được đề cập đến rất nhiều trong Bộ luật hình sự và ngay cả trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ “tội phạm là gì” và phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự như thế nào. Trong bài viết này chúng tôi sẽ làm rõ những vấn đề mà nhiều bạn đọc đang thắc mắc. Cùng theo dõi nhé!
Cơ sở pháp lý:
Contents
1. Tội phạm là gì?
a, Khái niệm Tội phạm
Bộ luật Hình sự 2015 đã dành riêng một Điều luật để giải thích khái niệm tội phạm. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật này nêu rõ:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Từ quy định trên, có thể hiểu một cách đơn giản, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có yếu tố lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.
b, Đặc điểm của Tội phạm
– Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội có nghĩa là hành vi pham tội phải gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, những quan hệ xã hội đã được xác định khái quát trong định nghĩa khái niệm tội phạm, đó là: “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc..quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…”.Hành vi không gây ra thiệt hại hoặc không đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ này không thể là tội phạm.
- Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi là điều kiện đầu tiên, là cơ sở để xem xét hành vi nào đó là tội phạm và quy định nó trong Bộ luật hình sự. Việc đánh giá hành vi nào đó là nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
- Trong sự thống nhất giữa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 thì chỉ những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao (nguy hiểm đáng kể) mới là tội phạm bởi “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tôi phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.”
– Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự
Theo Điều 8 Bộ luật hình sự 2015, hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm nếu hành vi ấy được quy định trong Bộ luật hình sự (được quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự).
Như vậy “được quy định trong Bộ luật hình sự” là đặc điểm đòi hỏi phải có những hành vi được coi là tội phạm. Theo đặc điểm này, hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng nếu không hay chưa được quy định trong Bộ luật hình sự thì không phải là tội phạm.
– Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý
- Khẳng định tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc có lỗi. Theo nguyên tắc này con người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý đối với hành vi đó.
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự chỉ được coi là tội phạm nếu “do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”. Chủ thể thực hiện hành vi này không chỉ là “người có năng lực trách nhiệm hình sự” như quy định trước đây mà còn có thể là pháp nhân thương mại.
- Khẳng định tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc có lỗi. Theo nguyên tắc này con người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý đối với hành vi đó.
– Tội phạm là hành vi bị xử lý hình sự
- Người phạm tội bị xử lý hình sự có thể bị xử phạt bằng: hình phạt, biện pháp tư pháp hình sự,…chứ không phải luôn bị xử lý bằng hình phạt.
- Quy định tội phạm phải bị xử lý hình sự không đồng nhất với việc phải bị xử lý hình sự tất cả những người phạm tội trên thực tế, bởi xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự với quan điểm “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại” Bộ luật hình sự Việt Nam có các quy định: miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội…đối với người phạm tội khi thỏa mãn các điều kiện do luật định (Điều 29, Điều 59, khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015).
2. Phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự
Dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành 04 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể như sau:
– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Nội dung trên đây là phần tổng hợp của chúng tôi về Tội phạm và phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu có vướng mắc liên quan đến tội phạm hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0935.998.552 để được chúng tôi giải đáp nhanh nhất.
Bình luận